Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải kiểm tra một số mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện Đầm Dơi.
Hiện toàn huyện Đầm Dơi có diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt trên 62.000 ha với các loại hình nuôi: quảng canh cải tiến (36.000 ha), tôm rừng (5.166 ha), tôm quảng canh truyền thống (18.053 ha). Đặc biệt, diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh của huyện đạt trên 2.840 ha. Trong đó, diện tích siêu thâm canh là 545,67 ha với 595 hộ nuôi.
Theo ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, diện tích tôm nuôi theo hình thức siêu thâm canh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo đó, để giúp người dân tháo gỡ khó khăn, nhất là phương tiện cơ giới phục vụ, huyện đã liên kết với các địa phương khác huy động được thêm 35 xe cuốc, 9 xe ủi, nâng tổng số toàn huyện hiện có 106 xe cuốc và 37 xe ủi đang hoạt động. Từ đó giá thành đào ao hầm ổn định ở mức 120 – 150 triệu đồng/ha.
Trước tình hình diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh phát triển nhanh, huyện Đầm Dơi đã tiến hành quy hoạch vùng nuôi tôm thâm canh tập trung. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Thuần, do hiệu quả cao nên số hộ ngoài vùng quy hoạch còn khá lớn.
Đối với hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất, huyện đang tập trung chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch vốn được phân bổ. Ngoài ra, dự án hạ tầng thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản thuộc xã Tân Duyệt được Bộ NN PTNT phê duyệt tại quyết định số 3096/QĐ – BNNPTNT ngày 30/10/2009 với tổng mức đầu tư 130,753 tỷ đồng nạo vét 13 kinh và xây dựng 12 cống để khép kín 4 ô thuỷ lợi. Đến nay đã nạo vét được 11 kinh, xây dựng được 6 cống, khép kín được 1 ô. Theo kế hoạch giai đoạn 2018–2019 sẽ tiếp tục xây dựng thêm 4 cống: Hàng Dừa, Lung Cá Kèo, Lung Cá Kèo 1 và Lung Ốc.
Theo ông Nguyễn Chí Thuần, người nuôi tôm trên địa bàn huyện còn gặp thêm một số khó khăn: do trình độ dân trí còn thấp nên việc tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; điện phục vụ sản xuất một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu; công tác quản lý con giống, vật tư nông nghiệp còn nhiều bất cập…
Trước đó, đoàn đã đến kiểm tra quy trình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh của một số hộ dân trên địa bàn huyện. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, vẫn còn một số hộ dân nuôi chưa đảm bảo theo quy định đề ra, nhất là an toàn về điện.
Theo ông Thiều Văn Minh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau, tuy đã có nhiều cải thiện so với trước, song ở tất cả các điểm kiểm tra thực tế thì chưa hộ nào đảm bảo an toàn về điện. Theo kế hoạch năm 2018, công ty sẽ chi 32,4 tỷ đồng xây dựng các công trình về điện trên địa bàn huyện Đầm Dơi để phục vụ người dân.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN PTNT nhận định, diễn biến dịch bệnh và môi trường được dự báo là luôn diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Do đó, huyện cần tăng cường quản lý môi trường ao nuôi trên tất cả các loại hình chứ không riêng trên nuôi tôm siêu thâm canh. Chú ý xây dựng chuỗi sản xuất để giải quyết cái khó về vốn, đầu ra sản phẩm cũng như vật tư nông nghiệp đầu vào.
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, qua kiểm tra thực tế cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực trong tổ chức sản xuất, xử lý chất thải, nước thải... Tuy nhiên, trên địa bàn xã Tân Dân vẫn còn nhiều nơi chưa đạt yêu cầu về điện và nước thải. Do đó, những hộ nào đủ điều kiện về vốn, hạ tầng (trong vùng quy hoạch) và đặc biệt là phải đủ kiến thức mới tiến hành nuôi tôm siêu thâm canh. Ngoài ra, cần phải mềm hoá một số quy định trong nuôi tôm siêu thâm canh nhưng không dưới ngưỡng tối thiểu đảm bảo an toàn. Đối với nuôi quảng canh hiện có diện tích lớn nên các ngành phải vào cuộc giúp người dân chọn con giống, xử lý nước; tăng cường phối hợp quản lý tốt con giống, vật tư đầu vào.
Nguồn tin: Nguyễn Phú - Báo Cà Mau
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn